Cai trị nghiêm khắc, bắt gian như thần Cao_Du_(Bắc_Tề)

Năm Vũ Định thứ 6 (548), Du được ra làm Thương Châu thứ sử.

  • Du trị lý nghiêm khắc, đối với người trong nhà cũng răn đe gắt gao; ra mệnh lệnh cho quan viên dưới quyền hay bộ hạ của mình đi lại bên ngoài, luôn phải tự gói ghém lương thực đem theo. Có viên chủ bộ của huyện Thấp Ốc là Trương Đạt từng đến châu thành, nghỉ qua đêm ở nhà dân, ăn canh gà. Du dò biết được, ra lệnh tập hợp mọi người, hỏi rằng: "Ăn canh gà sao không trả tiền?" Đạt lập tức nhận tội. Cả châu gọi Du là thần minh.
  • Có người từ U Châu đến, dùng lừa chở nem hươu; đến địa giới Thương Châu, chân đau nên dừng lại. Ngẫu nhiên có kẻ bạn đường ở bên cạnh, thừa cơ trộm lừa với nem mà đi. Trời sáng, người ấy báo án với châu, Du bèn lệnh cho bộ hạ với liêu lại trong phủ chia nhau đi mua nem hươu, không kể giá cả. Nạn nhân nhận ra nem của mình, từ đó tìm ra tên trộm.

Du được chuyển làm Đô đốc, Định Châu thứ sử.

  • Bấy giờ có người bị trộm trâu, trên lưng có nhúm lông trắng. Trưởng sử Vi Đạo Kiến nói với Trung tòng sự Ngụy Đạo Thắng rằng: "Ngày sứ quân còn ở Thương Châu, bắt gian như thần, nếu bắt được tên giặc này, hẳn là thần rồi." Du bèn trá xưng phủ muốn mua da trâu, trả giá gấp mấy lần, khiến người chủ trâu nhận ra, nhân đó bắt được tên trộm. Bọn Kiến thán phục.
  • Có bà già họ Vương, ở một mình, trồng được 3 mẫu rau, mấy lần bị trộm. Du bèn lệnh cho người viết chữ lên lá rau, hôm sau ra chợ tìm thấy lá rau có chữ, bắt được tên trộm.

Từ đó về sau ở châu không còn trộm, tình hình chánh trị – giáo hóa trở nên tốt nhất đương thời.

Đầu niên hiệu Thiên Bảo (550 – 559) thời Bắc Tề Văn Tuyên đế, Du được phong Bành Thành vương. Năm thứ 4 (553), Du được trưng làm Thị trung, quan dân đưa tiễn tỏ ra đau lòng. Có vài trăm ông già cùng nhau dâng cỗ, nói: "Từ khi Điện hạ đên đây đã 5 năm, dân không biết quan, quan không khi dân, trăm họ từ khi có hiểu biết đến nay, mới được thay đổi như hiện nay. Điện hạ chỉ uống nước địa phương này, chưa ăn đồ địa phương này, nên dâng lên một chút đạm bạc." Du xem trọng ý của họ, vì vậy mà ăn 1 miếng.